Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Bệnh Parkinson


Bệnh Parkinson là tình trạng hệ thống thần kinh bị trục trặc theo tuổi tác gây ảnh hưởng đến tình trạng cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân.
Parkinson là một trong những bệnh liên quan đến cử động của cơ thể phổ biến nhất, gặp trong khoảng 1% người trên 60 tuổi, nam bị nhiều hơn nữ gấp 1,5 lần, và càng ngày càng xuất hiện nhiều ở thời đại của chúng ta.Độ tuổi khởi bệnh trung bình vào khoảng 60 tuổi. Hiếm gặp các trường hợp khởi bệnh trước 40 tuổi.
Ở bệnh Parkinson, người ta thấy hiện tượng thoái hóa tế bào não ở vùng chất đen (substantia nigra) thuộc trung não. Từ chất đen, có những đường nối thần kinh liên kết đến một phần khác của não gọi là thể vân (corpus striatum), nơi chế tiết ra một chất dẫn truyền thần kinh tên là Dopamin . Dopamin vốn là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nên những sự thay đổi của nó sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khỏe khác nhau.
Sự thiếu hụt những tế bào não này và sự thay đổi chế tiết Dopamin là nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng và các dấu hiệu của bệnh Parkinson và đồng thời cũng là mục tiêu điều trị. Cơ chế sinh lý của hiện tượng thiếu hụt tế bào não này vẫn chưa được xác định.
NGUYÊN NHÂN:
Mục tiêu đặt ra ở đây là khám phá nguyên nhân tại sao khi những neuron thần kinh này bị phá hủy lại gây ra bệnh Parkinson.
Có nhiều giả thuyết được đặt ra nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng Parkinson không được gây ra bởi chỉ duy nhất một thủ phạm mà nó là sự kết hợp của hai tác nhân: sự nhạy cảm mang tính chất di truyền và những tác động xấu gây ra bởi môi trường xung quanh dẫn đến sự thoái hóa của tế bào não.[/b]
Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng sống ở môi trường nông thôn, uống nước giếng, tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, sống gần nhà máy gỗ có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Người ta đã chứng minh được rằng có khoảng 5 - 10% bệnh nhân Parkinson có xu hướng di truyền. Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra có một gene đột biến ở trong nhóm người mắc bệnh. Mặc dù gen đột biến này không phải là nguyên nhân của tất cả những trường hợp bệnh nhưng phát hiện này đã mở ra cơ hội cho các nhà khoa học thực hiện thêm các nghiên cứu trên động vật để tiếp cận sâu hơn nữa đối với bệnh Parkinson.
Hiện nay thì giả thuyết hứa hẹn nhất là giả thuyết về sự Oxy hóa:
  • Người ta tin rằng các gốc hóa học tự do là nguyên nhân của bệnh Parkinson. Các gốc hóa học tự do mang điện tích dương được sinh ra do Dopamin bị phá hủy khi nó kết hợp với Oxy.
  • Sự phá hủy dopamin gây ra bởi 1 enzyme tên là MonoAmin Oxidase (MAO) dẫn đến sự hình thành hydrogen peroxide
  • Bình thường thì có một protein tên là Glutathione sẽ phá hủy Hydrogen peroxide một cách nhanh chóng. Nếu hydrogen peroxide không bị phá hủy, nó sẽ dẫn đến sự hình thành những gốc tự do có thể tác dụng lên màng tế bào làm phá hủy tế bào và oxy hóa lipid khi hydrogen peroxide tác động lên màng lipid ở lớp màng tế bào.
  • Ở bệnh Parkinson, glutathione bị thiếu do đó cơ thể mất đi sự bảo vệ cần thiết chống lại sự hình thành những gốc hóa học tự do.
  • Hơn nữa, sự gia tăng chất sắt trong não có thể làm tăng sự tạo thành các gốc tự do.
  • Ngoài ra, sự oxy hóa lipid cũng gia tăng ở bệnh Parkinson.
  • Sự liên quan giữa bệnh Parkinson với sự tăng tốc đào thải Dopamin, sụt giảm các yếu tố bảo vệ (glutathione) chống lại các gốc tự do, tăng lượng chất sắt (làm cho sự tạo thành các gốc tự do xảy ra dễ dàng hơn) và gia tăng oxy hóa lipid đã giúp củng cố giả thuyết về sự Oxy hóa này.
  • Nhưng cho dù giả thuyết này có được xem là đúng đi chăng nữa thì nó vẫn không thể giải thích được tại sao hoặc bằng cách nào mà cơ thể lại bị mất đi cơ chế tự bảo vệ. Câu trả lời vẫn còn được để ngỏ. Và nếu giả thuyết này đúng, người ta có thể điều chế thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm đi các triệu chứng này.
Mặc dù nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa được khám phá ra, nhưng vẫn có những trường hợp các triệu chứng của bệnh Parkinson có thể xác định được nguyên nhân một cách rõ ràng. Trong trường hợp này, người ta gọi các hội chứng trên là Parkinson thứ phát.
Mặc dù Parkinson nguyên phát, hoặc bệnh Parkinson, là type thường gặp nhất, nhưng số lượng thật sự những người bị bệnh Parkinson thứ phát gây ra do thuốc có thể còn nhiều hơn rất nhiều so với con số được báo cáo, và chiếm khoảng 4% trường hợp Parkinson thứ phát.
  • Sự thay đổi nồng độ dopamine, do mất tế bào não hay do dùng thuốc, đều có thể gây ra các triệu chứng của Parkinson
  • Những người bị Parkinson thứ phát do thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson nguyên phát sau này.
  • Những thuốc gây ra bệnh Parkinson bằng cách làm hạ thấp nồng độ dopamin được gọi là chất ức chế các receptor của dopamin.
  • Hầu hết những loại thuốc chống rối loạn thần kinh hoặc thuốc an thần như Chlorpromazine (Thorazine), haloperidol (Haldol) và Thioridazine (Mellaril) có thể gây ra những triệu chứng của Parkinson.
  • Valproic acid (Depakote), vốn được sử dụng rộng rãi như là một loại thuốc chống co giật, có thể gây ra triệu chứng Parkinson ngược lại.
  • Những loại thuốc như metoclopramide (Octamide, Maxolon, Reglan), được dùng để điều trị những rối loạn của dạ dày chẳng hạn như loét dạ dày, có thể gây ra Parkinson thứ phát hoặc làm cho tình trạng tồi tệ hơn.
  • Thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin có thể gây ra những triệu chứng tương tự như parkinson.
Nói chung, cơ chế gây bệnh của tất cả những loại thuốc trên là chúng có khả năng làm thay đổi nồng độ dopamin trong hệ thần kinh trung ương.
Do đó, trước khi chẩn đoán xác định một trường hợp bệnh Parkinson, người bác sĩ cần phải xem xét kỹ lưỡng tất cả các loại thuốc bệnh nhân đã dùng và loại trừ các nguyên nhân u não, đột quỵ, nhiễm trùng, nhiễm độc, AIDS và não úng thủy.
TRIỆU CHỨNG:
Ba đặc điểm nhận dạng 1 bệnh nhân Parkinson là run (lắc, vẫy) khi nghỉ ngơi, cứng khớp và chậm chạp khi bắt đầu một cử động nào đó (được gọi là bradykinesia). Chẩn đoán xác định khi bệnh nhân có 2 trong 3 đặc điểm trên. Tư thế không vững là dấu hiệu thứ tư,tuy nhiên nó chỉ xuất hiện trong trường hợp muộn, thường là khi BN đã bị bệnh được 8 năm hoặc hơn.
Run khi nghỉ ngơi
  • Thường là bắt đầu ở 1 bàn tay và có thể bắt đầu sau đó dừng lại.
  • Ở hầu hết các trường hợp thì nó sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tình trạng stress và cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc ngủ.
  • Sau vài tháng hoặc vài năm, BN bắt đầu run giật cả hai tay nhưng không đối xứng.
  • Triệu chứng run giật có thể có ở lưỡi, môi, hoặc cằm
  • Tính chất run giật của bệnh hiện diện và dễ thấy nhất ở các chi khi nghỉ ngơi.
  • Động tác run giật của bệnh nhân giống như động tác đang lăn 1 viên thuốc bằng bàn tay hoặc chỉ là sự run vẩy bàn tay hoặc cánh tay.
Cứng khớp
  • Cứng khớp được biểu hiện qua giảm khả năng kháng lại lực tác động của người khác làm di chuyển các khớp.
  • Lực kháng này có thể đi theo đường thẳng hoặc theo hình răng cưa.
  • Bạn có thể nhờ người khác co và duỗi cổ tay của bạn trong trạng thái nghỉ ngơi để kiểm tra dấu hiệu này.
  • Cứng khớp có thể thấy rõ ràng hơn khi có những cử động cố ý của chi đối bên.
Di chuyển chậm chạp
  • Triệu chứng này không chỉ ám chỉ đến sự chậm chạp trong di chuyển mà còn bao hàm cả giảm các cử động tự ý và tăng phạm vi cử động.
  • Nó được biểu hiện ra ngoài bằng các dấu hiệu: viết chữ nhỏ, giảm khả năng thể hiện cảm xúc ở khuôn mặt, giảm tỷ lệ chớp mắt và nói nhỏ.
Tư thế không vững
  • Mất thăng bằng và phản xạ giúp đứng vững.
  • Triệu chứng này là một cột mốc quan trọng vì nó rất khó trị và là nguyên nhân phổ biến của sự tàn tật trong giai đoạn muộn.
Các triệu chứng khác
  • Bạn có thể cảm thấy cứng người khi bắt đầu bước đi, xoay người, hoặc khi bước qua bậc cửa.
  • Có thể xuất hiện tư thế cong gập của cổ, thân và chi.
  • Những thay đổi về tâm thần có thể xảy ra muộn và ảnh hưởng đến khoảng 15-30% người bệnh Parkinson.
  • Có thể giảm trí nhớ ngắn hạn và thị trường.
  • Tính chất khởi phát điển hình của Parkinson là không đối xứng mà dấu hiệu phát hiện đầu tiên thường thấy nhất là run vẫy không đối xứng ở 1 tay. Khoảng 20% trường hợp có dấu hiệu đầu tiên được phát hiện ra là tình trạng vụng về xuất hiện ở 1 tay.
  • Một thời gian sau, bạn sẽ cảm thấy các dấu hiệu tiến triển của triệu chứng cứng khớp, di chuyển chậm chạp và các vấn đề về bước đi (rối loạn dáng đi).
Triệu chứng khởi phát của bênh Parkinson có thể không đặc hiệu và bao gồm cả mệt mỏi và trầm cảm.
  • Một vài người cảm thấy giảm sự khéo léo và thiếu khả năng phối hợp đồng bộ trong các hoạt động như chơi golf, mặc quần áo hoặc leo cầu thang.
  • Một số người thấy đau hoặc có cảm giác thắt nghẹt ở bắp chân hay ở vai.
  • Bên tay bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ không đong đưa hết biên độ theo nhịp bước đi, bàn chân ở cùng bên có thể sẽ đi kéo lê dưới sàn.
  • Giảm phản xạ nuốt làm tăng lượng nước miếng và sau cùng là chảy nước mũi.
  • Rối loạn hệ thần kinh tự chủ cũng thường hay gặp có thể là táo bón, đổ mồ hôi và rối loạn chức năng sinh dục.
  • Rối loạn giấc ngủ cũng thường hay gặp.
Có thể đưa ra chẩn đoán bệnh Parkinson tốt nhất khi BN có triệu chứng run giật lúc nghỉ, không đối xứng và đáp ứng tốt với liệu pháp thay thế dopamin.
KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ
Vì Parkinson là 1 bệnh tiến triển nên bạn sẽ tiếp tục nhận biết được các dấu hiệu bất thường mới xuất hiện
  • Những triệu chứng này đôi khi khó phân biệt với tác dụng phụ của thuốc.
  • Do đó, tất cả những thay đổi vượt mức bình thuờng có thể giúp gợi ý để loại trừ những loại bệnh khác hoặc phản ứng phụ của thuốc.
Tuy rằng phòng cấp cứu không phải là nơi có thể đưa ra chẩn đoán bệnh Parkinson nhưng bạn cũng nên ghé qua để có thể loại trừ các loại bệnh khác có thể mắc phải.
Một vài biến chứng của Parkinson cũng cần được cấp cứu.
  • Đôi khi những triệu chứng mới hoặc một vài biểu hiện thay đổi giống với những loại bệnh khác có thể làm cho bạn lo lắng (VD như thay đổi khả năng suy nghĩ hoặc một bộ phận nào đó của cơ thể không thể cử động hoặc cử động khó khăn hơn là 1 dấu hiệu tương tự của đột quỵ)
  • Với bệnh Parkinson tiến triển, bạn có thể có cảm giác muốn té vì những rối loạn về khả năng đi đứng của bạn ngày càng gia tăng.
  • Nhiều trường hợp còn gặp phải chứng loãng xương (mất calci), kèm với những rối loạn di chuyển của Parkinson càng làm cho bạn có cảm giác mình đang bị gãy/nứt xương chậu, hông hoặc những loại xương khác.
  • Rối loạn hệ thần kinh tự chủ trong bệnh Parkinson có thể gây ra các triệu chứng như bí tiểu nặng, táo bón cần thiết đến sự can thiệp y học.
  • Rối loạn cử động còn ảnh hưởng đến cơ chế nuốt và thực quản gây nghẹt thở hoặc mắc kẹt thức ăn ở thực quản.
  • Một biến chứng khác có liên quan là hít sặc (thức ăn) có thể là chất lỏng hoặc rắn, gây ra những triệu chứng gần giống với viêm phổi và có thể làm nghẹt thở.
  • Ngay cả những loại thuốc dùng để điều trị Parkinson cũng không phải là không gây ra những biến chứng, chẳng hạn như hạ huyết áp, có thể góp phần làm mất thăng bằng và tăng nguy cơ té ngã hoặc chấn thương.
  • Ngoài ra, vì những cơn đau đớn khủng khiếp mỗi khi co cơ, bệnh nhân Parkinson có thể trở nên bất động. Các cơ của cơ thể bị "khóa" lại bằng cảm giác đau đớn để ngăn bạn không vận động một cách quá mức. Và khi bệnh nhân Parkinson không thể giao tiếp được với thế giới bên ngoài một cách hiệu quả, điều này rất có thể sẽ dẫn đến trầm cảm. Một vài loại thuốc hoặc các liệu pháp vật lý trị liệu có thể giải quyết được vấn đề này.
LÂM SÀNG & CẬN LÂM SÀNG
Chẩn đoán xác định Parkinson rất khó khăn. Không có một xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm đặc hiệu nào có khả năng giúp thiết lập chẩn đoán. Thật ra thì lấy một mẫu mô não là cách duy nhất để khẳng định chẩn đoán một cách chắc chắn nhất cho dù điều này có vẻ như không thực tế cho lắm. Có những nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chẩn đoán sai là 25 -35 % cũng không phải là hiếm gặp. Tỷ lệ này giảm xuống còn 8% nếu như có xuất hiện những dấu hiệu rối loạn chuyển động hỗ trợ chẩn đoán.
Hiện tại, nếu bạn có những dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đến gặp bác sĩ để xin tư vấn và cuối cùng là đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
Chẩn đoán ở giai đoạn sớm
  • Ngày trước, chỉ cần có 2 trong 3 triệu chứng chính (run giật, cứng khớp và di chuyển chậm chạp) là đã có thể xác định chẩn đoán bệnh Parkinson. Những tiêu chuẩn này nếu đứng riêng rẽ sẽ sai lầm trong khoảng 25% trường hợp.
  • Những nghiên cứu khảo sát lại trên những bệnh nhân đã được xác định chẩn đoán cho thấy triệu chứng giúp chẩn đoán bệnh Parkinson chính xác nhất là run giật, tính chất không đối xứng (triệu chứng chỉ xuất hiện ở 1 bên của cơ thể) và đáp ứng tốt với levodopa (Dopar, Larodopa). Tuy nhiên, những triệu chứng trên vẫn không thể lúc nào cũng giúp chẩn đoán chính xác được vì có những bệnh có các triệu chứng tương tự như Parkinson.
  • Để gia tăng tỷ lệ chẩn đoán chính xác trong giai đoạn sớm, người ta đề nghị một balan chẩn đoán bệnh Parkinson. Nó khảo sát một cách đầy đủ hơn về các tính chất như chức năng vận động, khứu giác và tâm thần.
Chẩn đoán ở giai đoạn muộn
  • Ở giai đoạn muộn của bệnh thì các triệu chứng khó có thể nhầm lẫn được và chẩn đoán sẽ được xác định qua một bệnh sử đơn giản và khám lâm sàng hoàn chỉnh.
  • Biểu hiện di chuyển khó khăn và chậm chạp trở nên khá rõ ràng trong giai đoạn muộn.
  • Hầu hết tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng run giật ở giai đoạn này, mặc dù không phải là tất cả, nhưng cũng giúp cho chẩn đoán.
  • Những chẩn đoán hình ảnh (như MRI và CT Scan) cũng cần được thực hiện ngay từ đầu để loại trừ những nguyên nhân khác.
Những chẩn đoán hình ảnh cần thiết
  • Hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có một phương tiện chẩn đoán hình ảnh đặc hiệu có khả năng tầm soát bệnh cả ở giai đoạn sớm và muộn tạo điều kiện giúp theo dõi bệnh và điều trị một cách hiệu quả.
  • PET (Positron emission tomography) và SPECT (Single-photon emission computed tomography) là 2 phương tiện chẩn đoán hình ảnh có cả độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt bệnh Parkinson với những hội chứng Parkinson thứ phát.
  • Những phương tiện này không hiệu quả trong những trường hợp bệnh đã quá rõ ràng.
  • Mục đích sử dụng sau cùng của những phương tiện này là dùng để tầm soát những trường hợp bệnh trong cộng đồng có nguy cơ cao.
  • Giai đoạn bệnh Parkinson xảy ra trước cả khi có triệu chứng trên lâm sàng gọi là giai đoạn tiền lâm sàng. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bị mất trên 80% tế bào sản xuất dopamin.
  • Vào thời điểm này PET sẽ giúp tầm soát và thể hiện sự thay đổi của dopamin trước khi bạn có triệu chứng.
  • Tuy nhiên nó vẫn không thể dùng để tiên đoán khả năng sự thay đổi trên có thể tiến triển thành bệnh Parkinson được hay không,
TỰ CHĂM SÓC TẠI NHÀ.
Quyết định tự chăm sóc tại nhà đối với những người bệnh Parkinson sẽ rất khó khăn.
Ban đầu thì những triệu chứng rất mờ nhạt và người bệnh có thể tiếp tục cố gắng hoạt động được trong các sinh hoạt bình thường như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo, uống thuốc và đi vệ sinh. Thực tế thì người bệnh còn có thể tiếp tục làm việc và tham gia những hoạt động khác của xã hội.Sau một thời gian, khi những triệu chứng bệnh tiến triển đến mức báo động. Tuy nhiên chúng ta không thể nào dự đoán trước triệu chứng nào sẽ trở nên chính yếu và làm cho bệnh nhân suy yếu nhiều nhất. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc sắp xếp và lên kế hoạch chăm sóc trong tương lai. Tuy nhiên, một kế hoạch đầy đủ dành chăm sóc cho người bệnh tại nhà vẫn được xem là khả thi.
  • Cần phải xác định mức độ chăm sóc cần thiết và nguồn tài chính dùng cho việc này. Cũng cần phải chỉ định người chăm sóc thích hợp, tốt nhất là chọn người không phải vướng bận gia đình nhiều.
  • Nhu cầu của người bệnh Parkinson sẽ tăng lên theo thời gian và yêu cầu đối với người chăm sóc cũng sẽ cao hơn. Người bệnh sẽ bị mất khả năng sống độc lập, nấu ăn, lái xe hoặc thậm chí sử dụng phương tiện công cộng. Do đó người chăm sóc sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
  • Căn nhà cần phải rộng đủ để thỏa mãn được những nhu cầu của người bệnh. Cần phải có những dụng cụ đặc biệt như khung tập đi, xe lăn, tủ cạnh giường. Với mục đích an toàn, những vật nguy hiểm và dễ vỡ cũng phải được cất đi.
  • Ngay cả thuốc dùng để điều trị cũng không nên để trong tầm tay người bệnh nếu như đã có xuất hiện triệu chứng lú lẫn.
  • Cũng như mọi thứ khác, nhu cầu cũng thay đổi theo từng người. Có thể người này chỉ cần sự hỗ trợ vừa phải nhưng những người khác lại cần sự hỗ trợ hoàn toàn.
ĐIỀU TRỊ
Mục tiêu điều trị đối với bệnh Parkinson là vừa phải kiểm soát những triệu chứng càng lâu càng tốt vừa hạn chế tác dụng phụ. Các biện pháp điều trị có thể kiểm soát tốt trong khoảng từ 4 đến 6 năm. Sau đó bệnh sẽ tiến triển bất chấp các biện pháp điều trị, và có nhiều trường hợp xuất hiện các biến chứng lâu dài như sự dao động và mất kiểm soát cơ (dyskinesia). Ngoài ra nguyên nhân của sự tàn tật trong giai đoạn muộn còn bao gồm cả mất khả năng giữ thăng bằng và thay đổi trạng thái tâm thần. Bác sĩ sẽ chọn cách điều trị tốt nhất tùy thuộc vào những triệu chứng nổi bật của bệnh nhân.
Nội khoaSử dụng các loại thuốc bảo vệ các neuron thần kinh sản xuất ra Dopamin
  • Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy selegiline (Eldepryl) có tác dụng bảo vệ các neuron sản xuất Dopamin
  • Selegiline được sử dụng trong giai đoạn sớm của bệnh với hy vọng nó sẽ làm chậm lại tốc độ thoái hóa các neuron dopamin.
Các phương pháp điều trị triệu chứng bắt đầu khi bạn xuất hiện những dấu hiệu thoái hóa chức năng. Lựa chọn phương phá điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân của sự thoái hóa.
  • Nếu nguyên nhân là do run giật, có thể sử dụng thuốc điều trị run giật, như amantadine (Symadine, Symmetrel), vốn là một tác nhân kháng đối giao cảm.
  • Amatadine làm giảm nhẹ triệu chứng run giật trong khoảng 50% trường hợp và không gây cứng khớp và di chuyển chậm chạp.
  • Vì triệu chứng run giật chỉ đáp ứng tốt với 1 loại thuốc đối giao cảm mà không có hiệu quả nếu sử dụng loại khác, do đó có thể bác sĩ sẽ sử dụng thử 1 loại đối giao cảm khác nếu như loại thuốc đầu tiên không hiệu quả.
  • Điều trị khởi đầu bằng liều thấp và tăng liều lên dần để hạn chế tác dụng phụ bao gồm khó nhớ, lú lẫn và ảo giác. Tác dụng phụ trên tâm thần thường gặp nhất, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
  • Nếu nguyên nhân là do cứng khớp, di chuyển chậm chạp, giảm sự khéo léo, nói chậm, lê chân, đó là những triệu chứng liên quan đến Dopamin.
  • Thuốc được sử dụng là Levodopa-carbidopa (Sinemet) có tác dụng tăng lượng dopamin trong não.
  • Khởi đầu với liều thấp, tăng chậm cho đến khi kiểm soát được triệu chứng.
  • Nhiều trường hợp cần phải điều trị như vậy đối với cứng khớp và di chuyển chậm chạp trong vòng 1 - 2 năm sau chẩn đoán.
Ngoại khoa
Ngoài phương pháp điều trị bằng thuốc, lựa chọn điều trị bằng phẫu thuật có thể được tính đến nếu như những triệu chứng nặng nề của bệnh xuất hiện hoặc khi thuốc không còn tác dụng giảm nhẹ triệu chứng được nữa.
THEO DÕI
Để kiểm soát được bệnh một cách tốt nhất, cần phải cân bằng giữa triệu chứng của bệnh và tác dụng phụ của thuốc.
Không thể điều trị Parkinson đơn độc. Tốt hơn hết là phải hợp tác tốt với các bác sĩ chuyên khoa để có thể lập ra 1 phương án điều trị tốt nhất.Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi hoặc ngưng sử dụng thuốc.
Tại tất cả những thời điểm của bệnh, cần phải có một cuộc trao đổi cởi mở giữa bạn và bác sĩ về những triệu chứng mới và các triệu chứng thay đổi trong cơ thể bạn.
TIÊN LƯỢNG
Parkinson là bệnh làm giảm tuổi thọ con người, tuy nhiên đó không phải là không thể tránh được. Bệnh bắt đầu từ giai đoạn không triệu chứng và có thể tiến triển đến mức bị tàn phế hoàn toàn, có thể là trong vòng 10 đến 20 năm. Tuy nhiên, cũng như những loại bệnh khác, luôn có sự thay đổi, khác nhau giữa các cá thể. Các giai đoạn mà người bệnh sẽ phải trải qua không thể nào tiên đoán trước được. Một số khuôn mẫu nhất định được ghi nhận.
  • Parkinson có thể được ghi nhận ở một số người từ triệu chứng run giật chiếm ưu thế hoặc từ triệu chứng mất thăng bằng và kéo lê chân.
  • Triệu chứng chính thường gặp ở người trẻ là run giật, nhưng tiến triển của bệnh chậm hơn. Và họ cũng gặp vấn đề về kiểm soát cơ trầm trọng hơn.
  • Ngược lại, ở người già thì triệu chứng thường gặp là mất thăng bằng và kéo lê chân. Đây có thể là vấn đề nghiêm trọng ở lứa tuổi này vì sẽ tăng nguy cơ té ngã.
  • Ngoài những dấu hiệu về các triệu chứng thực thể, người bệnh còn gặp phải triệu chứng về tâm thần:
  • Nhiều người bị trầm cảm nghiêm trọng và những vấn đề khác về tinh thần.
  • Khoảng 30% bệnh nhân Parkinson bị thay đổi tình trạng tâm thần.
  • Điều trị tốt sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh. Với những nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trong tương lai để tìm ra những loại thuốc mới và các biện pháp phẫu thuật mới, hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta có thể ngăn ngừa hoặc chữa trị được bệnh Parkinson.
Lucky Luke dịch (theo http://www.emedicinehealth.com )
Nguồn : Nhịp cầu y khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét